Những xét nghiệm trong thai kỳ mà mẹ bầu nên biết


Xét nghiệm khi mang thai là một phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe thai kỳ, giúp đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Các xét nghiệm này thường được thực hiện theo từng giai đoạn của thai kỳ và bao gồm nhiều loại khác nhau. Vậy để hiểu rõ tầm quan trọng của xét nghiệm thai kỳ, cũng như những xét nghiệm cần được thực hiện. Mời bạn đọc tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Xét nghiệm trong thai kỳ

Tầm quan trọng của các xét nghiệm thai kỳ

Xét nghiệm thai kỳ là công cụ quan trọng trong việc theo dõi, bảo vệ sức khỏe thai kỳ và tăng khả năng sinh con khỏe mạnh. Việc thực hiện đầy đủ các xét nghiệm theo hướng dẫn của bác sĩ giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng và nâng cao chất lượng chăm sóc thai kỳ.

  • Phát hiện sớm vấn đề sức khỏe của mẹ: Như thiếu máu, tiểu đường thai kỳ, nhiễm trùng hoặc bệnh lây qua đường máu (HIV, viêm gan B).
  • Theo dõi sự phát triển của thai nhi: Giúp sàng lọc dị tật bẩm sinh (Down, Edwards) và đánh giá sự phát triển bình thường.
  • Lập kế hoạch sinh: Dự đoán nguy cơ bất thường và chuẩn bị phương pháp sinh phù hợp (sinh thường hoặc sinh mổ).
  • Tăng cơ hội can thiệp sớm: Điều trị hoặc giảm tác động của các vấn đề tiềm ẩn.
  • An tâm cho mẹ bầu: Đảm bảo mẹ và bé đều khỏe mạnh.

Các xét nghiệm cần thực hiện trong thai kỳ

Các xét nghiệm khi mang thai cần được thực hiện sớm để phát hiện và can thiệp kịp thời các vấn đề sức khỏe cho cả mẹ và bé. Dưới đây là những xét nghiệm quan trọng nên thực hiện càng sớm càng tốt:

Xét nghiệm trong thai kỳ

Ba tháng đầu (tuần 1-13)

1. Xét nghiệm máu:

Nhóm máu và Rh: Xác định nhóm máu của mẹ (A, B, AB, O) và Rh (dương hoặc âm) để phát hiện nguy cơ bất đồng Rh, giúp tránh tình trạng tan máu sơ sinh.

  • Công thức máu: Kiểm tra số lượng tế bào máu, phát hiện thiếu máu hoặc các bệnh lý liên quan đến máu.
  • Xét nghiệm bệnh lây qua đường máu: HIV, viêm gan B, giang mai, để có biện pháp điều trị và phòng ngừa lây nhiễm cho bé.
  • Sàng lọc tiểu đường thai kỳ: Kiểm tra mức đường huyết lúc đói để phát hiện nguy cơ tiểu đường thai kỳ (có thể thực hiện vào cuối ba tháng đầu).

2. Xét nghiệm nước tiểu:

  • Phát hiện nhiễm trùng tiểu (có thể dẫn đến sinh non),theo dõi protein niệu (dấu hiệu của tiền sản giật) và mức độ axit uric

3. Siêu âm sớm (Tuần 11-14):

  • Đo độ mờ da gáy: Sàng lọc hội chứng Down (trisomy 21),hội chứng Edwards (trisomy 18) và Patau (trisomy 13).
  • Xác định số lượng thai và tuổi thai: Kiểm tra vị trí thai trong tử cung, đảm bảo thai không nằm ngoài tử cung (mang thai ngoài tử cung) và tính toán tuổi thai chính xác.

Ba tháng giữa (tuần 14-27)

1. Sàng lọc dị tật bẩm sinh:

  • Double test (tuần 11-14) hoặc Triple test (tuần 15-18): Đánh giá nguy cơ mắc các hội chứng di truyền như Down, Edwards, và Patau bằng cách kiểm tra mức độ các chất trong máu mẹ.
  • Xét nghiệm Chọc ối (nếu cần): Nếu kết quả xét nghiệm sàng lọc có dấu hiệu nguy cơ cao, bác sĩ có thể đề nghị chọc ối để phân tích nhiễm sắc thể của thai nhi nhằm xác định các dị tật di truyền

2. Siêu âm hình thái (tuần 18-22):

  • Kiểm tra cấu trúc cơ thể thai nhi: Đánh giá các cơ quan như tim, phổi, thận, não, xương, hệ thần kinh để phát hiện các dị tật bẩm sinh.
  • Xác định tình trạng nhau thai: Kiểm tra vị trí của nhau thai và lượng nước ối.

3. Kiểm tra dung nạp glucose (OGTT) (tuần 24-28):

  • Kiểm tra tiểu đường thai kỳ. Mẹ sẽ uống dung dịch glucose và đo nồng độ đường huyết trong máu sau đó. Nếu có kết quả bất thường, bác sĩ sẽ theo dõi và điều trị kịp thời.

Ba tháng cuối (tuần 28-40)

1. Xét nghiệm máu và nước tiểu lặp lại:

  • Đánh giá tình trạng sức khỏe của mẹ, phát hiện các vấn đề như thiếu máu, nhiễm trùng, tiểu đường.
  • Kiểm tra chức năng thận và gan, bao gồm xét nghiệm men gan, creatinine, và uric acid.

2. Xét nghiệm Streptococcus nhóm B (GBS) (tuần 35-37):

  • Phát hiện vi khuẩn Streptococcus nhóm B có thể lây qua khi sinh và gây nhiễm trùng cho bé. Nếu kết quả dương tính, mẹ sẽ được điều trị bằng kháng sinh trong quá trình sinh để bảo vệ bé.

3. Siêu âm cuối kỳ (tuần 32-40):

  • Đo kích thước thai nhi: Đánh giá sự phát triển của thai, tính toán cân nặng của bé.
  • Kiểm tra lượng nước ối: Xác định liệu thai nhi có đủ nước ối để phát triển hay không.
  • Kiểm tra vị trí nhau thai: Đảm bảo nhau thai không che phủ cổ tử cung (vị trí nhau thai thấp có thể gây khó khăn trong việc sinh thường).
  • Theo dõi tình trạng thai nhi: Đánh giá mức độ chuyển động của thai, tình trạng tim thai qua siêu âm Doppler.

Lưu ý quan trọng:

Các xét nghiệm siêu âm có thể thay đổi tùy theo tình trạng sức khỏe của mẹ và yêu cầu của bác sĩ, việc thực hiện đầy đủ các xét nghiệm giúp phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe và đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. trong suốt thai kỳ.