Thai máy là một giai đoạn đặc biệt quan trọng, báo hiệu thai nhi đã chuyển qua một bước phát triển mới. Mà qua đó còn biết được về tình trạng sức khỏe của thai nhi bằng số lần và cường độ cử động. Nhưng không phải mẹ bầu nào cũng biết và tìm hiểu rõ về nó.Vậy thai máy là gì? Cách đếm cử động thai như thế nào? Hãy cùng Phòng Khám Sản Phụ Khoa Biên Hoà tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Cách đếm cử động thai

Thai máy là gì?

Thai máy chính là những cử động của thai nhi khi còn ở trong bụng mẹ như những động tác tay chân, vươn vai, vặn mình….

Thai máy mỗi người mẹ là không giống nhau, thời điểm thai máy cũng khác nhau phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Từ tuần thứ bao nhiêu thì thai máy

 Có người sẽ nhận biết được những cử động của thai nhi sớm hơn bình thường và cũng có người phát hiện muộn hơn. Thông thường thì thai nhi 8 tuần tuổi đã bắt đầu có cử động. Nhưng vì lúc này thai còn quá nhỏ, những cử động rất nhẹ nên các mẹ thường không cảm nhận được. Khi thai nhi được khoảng 12 – 16 tuần (3 – 4 tháng) thì mẹ bắt đầu cảm nhận thấy thai máy.

Cảm nhận thấy thai nhi máy thường rất nhẹ nhàng, giống như có gì đó hơi chuyển động, nhúc nhích trong bụng. Tuổi thai càng lớn thì thai sẽ có những cử động mạnh hơn như đạp, trườn…tùy thuộc vào sức khỏe của cả hai mẹ con và vị trí của nhau thai. 

Ngoài cảm giác hạnh phúc khi nhận biết những cử động của thai, mẹ bầu cần quan tâm cách theo dõi sức khỏe thai nhi qua đếm cử động thai. Đây là phương thức chủ động nhất để mẹ bầu cùng bác sĩ theo dõi sức khỏe thai nhi.

Dấu hiệu thai máy cho thấy thai nhi ổn định

Thông thường các mẹ bầu có thể nhận biết thai máy vào tuần lễ thứ 12-16 tuần của thai kỳ. Trong 3 tháng giữa này, cử động của thai nhi thường không đều, nhưng càng về sau càng đều hơn. Thời gian cử động rõ nhất bắt đầu từ tuần lễ thứ 26.

Số cử động trung bình mỗi ngày của thai nhi là 16 – 45 lần, khoảng cách tối đa ghi nhận giữa các lần thai máy là 50-75 phút. Mẹ có thể không cảm nhận được cử động của thai nhi trong khoảng thời gian bé ngủ. Thời gian ngủ của thai nhi thường kéo dài 20-40 phút, hiếm khi quá 90 phút.

Số lần thai máy thường cao nhất ở khoảng tuần 28 – 32, sau đó giảm chút ít đến khi sắp sinh. Ở thời điểm chuẩn bị sinh số lần thai máy trung bình trong 01 giờ khi thai hoạt động là 31.

Nhận biết thai máy vào thời điểm nào?

Thai nhi trong bụng mẹ thường ở 4 trạng thái: 1 là trạng thái tĩnh lặng, 2 là trạng thái cử động thường xuyên, 3 là trạng thái cử động mắt liên tục và 4 là cử động thai đơn độc.

Trong 4 trạng thái này em bé thường ở trạng thái 1 và 2. Khi em bé ở trạng thái 2 mẹ bầu sẽ cảm nhận được chuyển động của em bé một cách rõ ràng nhất.

Thai nhi trong bụng mẹ có lúc tỉnh táo, cũng có lúc đi ngủ nhưng nhìn chung thai nhi đạp nhiều vào ban đêm hơn. Em bé sẽ có xu hướng chuyển động nhiều nhất trong khoảng từ 21 – 1 giờ tối hoặc sau khi mẹ vừa mới ăn xong.

Khi mẹ ăn no đa phần thai nhi sẽ đạp nhiều hơn nếu dạ dày của mẹ được nạp quá nhiều thức ăn. Điều này là do bé đã được bổ sung nhiều vi chất dinh dưỡng hơn.

Mẹ di chuyển ngoài đường, ngồi nói chuyện nơi công cộng, nghe nhạc quá lớn cũng khiến bé “khó chịu” sẽ đạp nhiều hơn

Tư thế khi mẹ nằm nghiêng sang bên trái, bé sẽ đạp nhiều hơn. Vì tư thế này làm tăng lượng máu và chất dinh dưỡng cho thai nhi.

Cách đếm cử động thai ( thai máy)

Cử động thai hay Thai máy là những cử động giống như nhịp gõ vào thành bụng hay cảm giác thai "búng búng" trong bụng. Cử động thai khác với cơn gò vốn thường làm cho bụng cứng lên hay méo lệch sang 1 bên.

Theo dõi Cử động thai rất cần thiết để đánh giá xem thai nhi có khỏe không. Đây là phương pháp không tốn kém, rất hiệu quả để người mẹ theo dõi sức khỏe thai nhi. Nếu tập được thói quen theo dõi Cử động thai người mẹ sẽ kịp thời phát hiện thai bị yếu.

Tất cả sản phụ có thai từ trên 7 tháng hay trên 28 tuần nên đếm cử động thai để theo dõi tình trạng sức khỏe thai nhi.

Cử động thai thường đến sau bữa ăn và đếm 3 lần mỗi ngày, tối thiểu phải đếm 1 lần trong ngày. Khi đếm nên nằm nghỉ ngơi yên tĩnh và đếm trong 1 giờ xem có bao nhiêu cử động thai.

-Thai khỏe khi có hơn 4 lần cử động mỗi giờ

-Nếu trong 1 giờ thai chỉ cử động 3 lần hay ít hơn, người mẹ cần đếm thêm 1 giờ nữa vì có thể là lúc thai đang ngủ. Nên nằm nghỉ ngơi hoàn toàn để dễ theo dõi cử động thai.

-Nếu trong 1 giờ kế tiếp thai vẫn Cử động 3 lần hay ít hơn thì đây là dấu hiệu báo động cần nghi ngờ thai nhi bị yếu, người mẹ nên đi khám và nhập viện nếu cần thiết để được theo dõi sức khỏe thai bằng máy Monitor hoặc người mẹ có thể tiếp tục đếm Cử động thai trong 12 giờ liên tục nếu có ít hơn 10 lần cử động thì cần nhập viện ngay để được xử lý tích cực.

Lời kết:

Ở những tháng cuối thai kỳ, ngoài đếm cử động thai, các mẹ nên khám thai định kỳ vì đây là thời điểm rất dễ sinh non. Vì vậy, khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường, bạn nên đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra.

Trên đây là một số chia sẻ về thai máy mà các mẹ nên trang bị cho mình từ lần mang thai đầu tiên. Các mẹ hãy chú ý nghỉ ngơi thật tốt để có một thai kỳ khỏe mạnh nhé.